Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Cơm sạn

***



Tuần qua mình được hân hạnh đón tiếp một người bạn học củ tới thăm. Ngồi ăn uống ôn lại chuyện ngày xưa mới nhớ thêm một chi tiết về chuyện cơm căn tin.



Hồi ấy mình là dân cơm căn tin kỳ cựu, nên cơm canh lúc ấy cở gì mình cũng xơi tuốt hết, không than phiền nề hà gì cả. Cho tới khi mình nổi lòng hiếu khách nài nỉ mời các "cậu ấm cô chiêu" làm khách cùng dùng bửa cơm căn tin, thì mới biết là cơm căn tin có vấn đề! Lúc ấy cơm bo bo căn tin không được trắng trẻo mềm mại sạch sẻ như cơm nhà, mà nhiều khi hạt bo bo còn sượng, còn sống cứng, hay cơm lẩn nhiều đá, sạn, thóc….đủ thứ vật lạ. Cao thủ như mình thì những thứ này chỉ là tép riu, không phiền hà gì cả. Mình có phản xạ tự nhiên lừa nhưng thứ này trong miệng rất ghề nghiệp, chỉ nhai cơm, sạn thóc thì lùa ra, nhả lại. Nhưng khách mời thì không quen, cắn vào sạn thóc nghe côm cốp. Ngồi gần nghe cũng rợn rợn xương sống. Chắc răng không mẻ thì hàm cũng ê.



Không sao cả, dân ăn cơm căn tin điêu luyện phải có chiêu để trị đám sỏi đá này chứ. Mình nói khách lấy cơm bo bo bỏ từ từ vào tô canh đại dương, lấy muổng khóay đều cho tới khi sỏi đá, bo bo sượng, hay thóc chìm xuống đáy. Xong chỉ vớt cơm ở phía trên ăn thôi, chừa phần cặn lại. Thế là xong, dầu cơm sạn hay sỏi đá, cơm không như ý, nhưng khách vẫn no dạ dày.



Ăn uống thứ gì cũng phải có nghệ thuật, phải không các bạn? :))~~~



~h



*****

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Đâu Là Nguồn Cội

Trích trong tập san "Reunion 2006, 32 Năm Hội Ngộ" của lớp Y-Nha 74.
Cảm ơn chị Thanh Tùng đả cho phép post bài này ở blog này.

-----------------------------------------------------------------------

Đâu Là Nguồn Cội

Bùi Thị Thanh Tùng


Năm mươi mốt tuổi đời, cũng là năm mươi mốt năm với mẹ, nhìn lại thì thật sự có bao nhiêu năm dành cho mẹ. Quanh đi quẩn lại tự hỏi mình đã làm được gì trong suốt khoảng thời gian này, có phải là mình qúa ư lãng phí thời gian. Từ lúc mười mấy tuổi cho đến lúc trưởng thành lúc nào mình cũng đi tìm cái thế giới mới lạ bên ngoài, học đường, bạn bè, công danh, sự nghiệp, tiền tài......Lúc còn đi học thì mỗi ngày đến trường, sau giờ học thì la cà hết nhà bạn này qua nhà bạn khác, lúc thì cần đi học thêm sinh ngữ, lúc thì học toán, lúc thì lại học đàn, lúc thì học làm bánh, lúc nào cũng có việc để ra khỏi nhà ta bà thế giới. Đến lúc ra trường rồi thì bỏ hết thời giờ để trau giồi nghề nghiệp, suốt ngày la cà trong bệnh viện, học hành, làm việc thiện nguyện, quên cả về nhà, có lúc nào nhìn lại mẹ mình ngày một gìa yếu đi vì trông chờ, vì bương chãi cho đàn con.

Tôi nhớ hoài những ngày ba tôi đi học tập cải tạo, me tôi từ bé đến lớn chưa bao giờ ra đời kiếm tiền đã phải bắt đầu những chuỗi ngày gian nan cùng cực. Sau ngày ba tôi đi học tập, me tôi vưà là người nội trợ vưà đóng vai người cha bôn ba ngoài chợ để kiếm tiền hằng ngày cho các con có đủ thức ăn. Những đứa con của me, đứa thì đi công tác gánh gạch đá ở Trảng Bom, đứa thì phải đi theo trường học làm lao động ở Lê Minh Xuân, đứa thì còn bé dại....không đứa nào giúp được me cái việc sinh sống hằng ngày. Có những ngày me tôi phải đem quần áo ra chợ trời bán để kiếm tiền cho bữa ăn ngày hôm đó, ăn bữa nay lo bữa mai, những đứa con của me thì rất xấu hổ khi phải đi ra chợ trời như thể là vào một nơi nào cực kỳ ghê gớm lắm. Có những ngày me ngồi ngoài đầu chợ với cái tủ kính nhỏ trước mặt trong đó gồm vài gói thuốc lá, vài gói đường, bột ngọt, vài hộp diêm .....mua đi bán lại, lăn lóc chợ đời chỉ mong có đủ thức ăn cho các con mỗi ngày. Còn chúng tôi vẫn được ung dung đến trường với đầy đủ sách vở, quần áo. Mỗi lần cần phải ra trông hàng giùm cho me thì coi như là một cực hình, che cái mũ lụp xụp để không ai nhận ra mình. Có phải đó là những ngông cuồng non nớt của tuổi trẻ chưa trưởng thành, sợ quê, sợ xấu hổ, núp dưới cái bóng 'sĩ diện' không có thực.

Đến tuổi này giờ tôi nghĩ là tôi sẽ hãnh diện nếu tôi được ngồi lê lết thay thế cho me tôi trong cái nhiệm vụ thiêng liêng cao cả đó. Mỗi tháng nhà tôi phải chia người ra để đi 'thăm nuôi'. Danh từ thăm nuôi này chỉ có những người sống trong hoàn cảnh đó ngày đó mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Tất cả tiền bạc, thực phẩm, những gì mà mình không dám tiêu xài, những gì mà ở nhà coi như là xa xí phẩm như đường, thịt cá, kẹo bánh, cà phê....thì dành dụm mang đi thăm nuôi vì trong đó không bao giờ có đủ dinh dưỡng. Ba tôi thì ở trong trại học tập, còn các em tôi thì ở các trại tù vượt biên, người đi làm ruộng muối ở Duyên Hải, người ở trại Tà Niên Rạch Gía, người ở trại Tiểu Cần Vĩnh Long. Me tôi kiếm được bao nhiêu tiền là bấy nhiêu thăm nuôi. Tiền bạc, mồ hôi, nước mắt của me tưới rãi dọc đường đi....biết bao là đoạn trường.......

Từng ngày, từng tháng, từng năm, những đau khổ đã trôi qua như những cơn ác mộng. Miệt mài với học hành, với công danh, sự nghiệp, chúng tôi mau quên đi những chuỗi ngày đầy biến cố, ngoại trừ me tôi, những tháng ngày đó hằn sâu trong tiềm thức của me như những vết thương không lành. Me tôi vốn thật thà, nghĩ sao nói vậy, ngôn ngữ không ngoa, không dối trá, đôi khi thật thà quá độ làm người nghe bực mình. Mỗi lần me tôi kể lễ, nhắc lại những ngày lăn lóc kiếm tiền đó thì chị em tôi lại đánh trống lãng, tựa hồ như từ chối, trốn tránh cái dĩ vãng đau buồn đã đi qua cuộc đời mình. 'Me đừng kể nữa có được không, mình đã sống sung sướng từ bao năm trước đó trong sự che chở bảo bọc rồi'. Mười lăm năm sau đó là mười lăm năm nước mắt, me nhớ hoài là phải, làm sao mà quên được chứ.

Thoát khỏi những ngày giam cầm, ra khỏi những ngày khổ cực nghèo đói đó thì gia đình tôi lại phải chạm trán với cái gian nan khác là bắt đầu một cuộc sống mới, tất cả từ con số không, từ hai bàn tay trắng. Dù sao thì cuộc bắt đầu này là tự nguyện và cũng còn thấy được tương lai. Chúng tôi bắt đầu đi học từ lớp này đến lớp khác, mỗi người đi học một tiểu bang khác nhau. Chị em chúng tôi không còn ở chung một mái nhà như trước nữa, nhưng me tôi thì lúc nào cũng ở bên cạnh tôi, đến bây giờ tôi hiểu cái hạnh phúc này là phước đức của tôi, không phải ai cũng có được. Tôi với cái hành trình không thấy đoạn cuối , với cái mù quáng u minh lúc nào tôi cũng nhất quyết lấy cho được lại những gì mình đã mất, tôi phải trở lại cái nghề làm thầy thuốc của mình. 'Tập tểnh người đi tớ cũng đi. Cũng lều cũng chõng cũng vô thi', đi theo con đường của Tú Xương tiền bối. Con đường học vấn của tôi đúng là dài vô tận, từ năm vào mẫu giáo cho đến nay là 45 năm, còn đi học hoài không biết bao giờ dừng lại. Tôi vưà đi làm vưà đi học, đứng bán hàng cho cây xăng, những ngày cuối tuần của tôi là những ngày ngồi miệt mài trong thư viện. Cà phê và những khoanh bánh mì khô, chip đã là hành trang muôn thưở của tôi từ năm này qua năm nọ. Thấy tôi qúa cực khổ, ngày đi làm 8 tiếng, chiều tối ngồi lại trong thư viện thêm 4 tiếng nữa mà cũng không đủ tiền chi phí cho những lần đi thi, tiền nhà, tiền sách vở...mặc dù em tôi thỉnh thoảng vẫn phụ cấp, me tôi lại lần nữa dấn thân vào việc kiếm tiền sinh sống để phụ giúp tôi.

Me tôi nhận giữ trẻ con, ở lại nhà người ta, nửa đêm thức dậy 'chăm sóc con người ta để con mình được học hành'. Điều này làm tôi đau lòng không ít. Bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi ngậm ngùi xót xa cho cái công lao của me tôi đã bao năm bỏ ra vì tôi, mỏi mòn.. Mặc dầu tôi đã đậu hết các kỳ thi, mặc dầu đã trả xong nợ đèn sách, cầm cái chứng chỉ ECFMG trong tay tôi vẫn không có đủ tài năng để vào được nội trú, để hoàn tất những gì mà me tôi và tôi mong mỏi từ bao nhiêu năm. Lúc biết là không còn hy vọng, tôi đành phải bỏ hết tìm học một nghề khác trong ngành để có một chỗ đứng hay đúng hơn là để sinh sống.

Tôi nhớ lại lần đầu mới thi USMLE bị rớt, chị Giao có khuyên tôi 'Bỏ đi vọng tưởng, hãy sống bình yên thân tâm an lạc, đừng mong cầu đeo đuổi nữa'. Tôi với cái ý niệm 'phóng lao thì phải theo lao', 'leo lưng cọp rồi thì phải liều' làm tôi quyết chí thi tiếp, thi hoài, thi mãi, càng thi rớt càng phải học. Tôi có tánh kiên trì, hay đúng hơn là tánh lì, cộng thêm lòng ngã mạn, không bao giờ chịu đầu hàng một cách dễ dàng. Thi USMLE 1 lần, 2 lần, 3 lần, rồi TOEFL, rồi CSA, mỗi lần thi rớt thì tiếp tục thi tiếp, tổng cộng chừng mười năm, mỗi năm lại có thêm một đòi hỏi mới hơn, khó khăn hơn cho những foreign doctor như tôi. Những người bạn đồng hành với tôi, Vịnh, chị Thu, anh Cơ, anh Tường đã thi đậu hết nhưng từ từ ngộ ra rằng đã qúa muộn màng không còn chỗ đứng cho mình nữa, đã dừng lại, an phận với những gì đang có. Ngược lại có nhiều bạn tôi đã thành công mỹ mãn như Thư, Tâm, Hoàng, Hổ như những tấm gương làm tôi cứ kiên trì đi mãi, quên đi cái miệt mài chờ đợi của me tôi và của gia đình tôi.

Mười năm học và thi không ngừng nghỉ, không giải trí, không du lịch, không có giờ cho me tôi, không có giờ cho gia đình, tôi đã làm được gì.....Phật pháp có câu 'Quay đầu là ngạn', chỉ cần quay lại là thấy bến bờ, đâu cần phải đi suốt đoạn đường dài như tôi đã đi qua, đâu cần phải lặn lội chân trời góc biển, bến bờ là nơi mà tôi thấy bình yên, tự tại, là chỗ mà tôi thấy đủ với những gì mình hiện có. Không chịu đầu hàng số phận, không chịu từ bỏ, đó chính là cái tâm tham lam, mong cầu. 'Không mong cầu là không khổ'.Mỗi ngày đi làm trong bệnh viện tôi đã chứng kiến bao nhiêu là cảnh khổ đau,mỗi hoàn cảnh xúc động khác nhau đã có lúc đánh thức cái u minh trong tôi. Có một ngày tôi chứng kiến cảnh một cô gái độ chừng 25 tuổi, khóc sướt mướt bên cạnh mẹ cô, người bệnh nhân đang lOE thuộc vào chiếc máy thở với bên cạnh nào là cơ man dây truyền. Cô vuốt tóc mẹ, nắm tay mẹ, mếu máo 'mẹ phải ở lại với con, mẹ không được bỏ con khi chưa thấy con ra trường, mẹ không được ra đi khi con chưa đền đáp công ơn mẹ...'. Nước mắt tôi bất chợt chảy dài khi nghĩ đến me mình. Tôi đã làm được gì cho mẹ tôi, hay là mỗi lần chở mẹ đi chợ thì tôi cứ thúc hối 'con chỉ có 1 tiếng đồng hồ thôi, đừng có cà kê', hoặc là ' con phải đi làm ngay không chở me được đâu'.....Hình ảnh cô gái và người mẹ đã làm thức dậy trong tôi nỗi ăn năn sám hối dày vò. Bao nhiêu năm đèn sách tôi đã mang gì về cho mẹ, không có cả vài phút giây cho mẹ thanh thản đi bên tôi, rồi tôi bỗng sợ hãi cho một cuộc chia tay không tránh khỏi của một đời người.

Lúc mà tôi quyết định không nộp đơn xin nội trú nữa, không muốn tốn tiền, tốn thời gian cho cái mong cầu này nữa là lúc mà tôi nhìn lại me tôi, người đang cần đến tôi bên cạnh. Có suốt cả năm mươi năm bên mẹ mà đã vô tình phung phí. Có muộn màng không khi mà me tôi đã không còn đi chơi xa được nữa, tuổi già sức yếu. Có muộn màng không khi mà me không còn răng để thưởng thức những mòn ăn mà me thích ngày xưa, ăn gì cũng không thấy ngon. Có muộn màng không khi mà mắt đã không còn tinh tường nữa để đọc những gì tôi viết. Tôi tự nhủ lòng sẽ không để cho me tôi chờ đợi nữa, trong những năm còn lại của mẹ tôi phải sẵn sàng bên cạnh. Tôi thấy bình yên tự tại với sự dứt bỏ, dừng lại này. Chưa bao giờ tôi từ bỏ một cách nhẹ nhàng bình yên đến như vậy. Tôi muốn thời gian trôi chậm lại cho tôi níu kéo lại những
tháng ngày phung phí. Tôi muốn nói với những người trẻ tuổi rằng 'cái hạnh phúc bên cạnh me là cái hạnh phúc bất diệt, xin đừng phung phí những tháng ngày có mẹ'.

Câu thơ của một nhà tiền bối sao mà qúa thích hợp đối với tôi ' Sách vở ích gì cho buổi ấy-Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già'.

Viết cho me tôi. Houston tháng sáu.
Bùi Thị Thanh Tùng

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Chia Chuyên Khoa Năm 1980

Các bạn mến:
Tình cờ đọc được câu chuyện này của chị Thanh-Tùng, khóa Sơ Bộ Chuyện Khoa 4 (74-80) (website http://www.y-nha74.net/)
Có lẻ chúng ta ai cũng biết nhưng không nói ra. Mình gởi lên đây để hiểu được câu chuyện của một đàn chị nhé.
Cảm ơn chị Thanh-Tùng Y74 đả cho phép gởi bài viết của chị lên blog này.

--------------------------
Chia Chuyên Khoa

Thân tặng linh mục Nguyễn Viết Chung,
các bạn Hoài Tâm, Ngọc Nga, Thanh Thủy, Hồng Trang, và Nguyễn Đình Vân.

"Chia chuyên khoa" vào năm thứ năm đối với một số sinh viên trong lớp chúng tôi là một biến cố to lớn, hay nói đúng hơn là một khủng hoảng. Vào thưở đó, với cái vốn liếng nhỏ bé, với kiến thức hạn hẹp về basic science, người nào bị đưa đẩy vào những chuyên khoa như Sinh Vật, Ký Sinh Trùng Sốt Rét, Sinh Hóa, Đông Y, Tâm Thần…là những người đau khổ nhất. Với cái cảm giác mình bị đẩy xa lìa với lâm sàng, cái khả năng chẩn đoán, biện luận và điều trị bệnh nhân bị giới hạn, chúng tôi thấy như cả một bầu trời sụp đổ. Cái cảm giác đi lùi dần vào cô độc, suốt ngày ngồi trước ống kính hiển vi, loay hoay với những ống nghiệm làm cho biết bao nhiêu người nản chí, thất vọng về tương lai của mình.

Ngày nay, trên đất nước này, nghiên cứu về basic science, về gene là những chân trời mới lạ, sớm nhất, đi trước cả điều trị. Đọc những tìm tòi nghiên cứu mới thấy được nhiều tiến bộ và lý thú hơn là đọc sách giáo khoa, cái mà chỉ vài năm đã trở nên lỗi thời. Nếu chúng tôi biết sớm điều này từ năm 1978 thì cuộc đời chúng tôi có lẽ đã đổi khác.

Một số bạn được chia vào những chuyên khoa như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Mắt, Tai mũi họng thì coi như cá được nước hoặc được trúng số, đường công danh thênh thang rộng mở. Còn một số người trong chúng tôi bị rớt vào những ngành Anatomy, Đông Y, Ký Sinh Trùng, Sinh Vật…. bắt đầu những chuỗi ngày thất vọng, tiếc nuối và chán chường. Tôi được biết bao nhiêu là tâm sự của những người bạn thân, mỗi tâm sự là một mảnh đời đa dạng mang những đau khổ riêng của nó.

Chung và tôi là những người bị chia vào khoa Ký Sinh Trùng Sốt Rét. Chung là một sinh viên giỏi, chăm chỉ, chịu khó, không bao giờ quản ngại những việc khó khăn. Cái đáng quý nhất trong những đức tánh của Chung là hy sinh cho gia đình, bạn bè, bệnh nhân, quên cả bản thân mình. Chung có mẹ già mà vì một căn bệnh nào đó đã làm mờ đi cả hai mắt. Chung vừa đi học, vừa đảm nhiệm hết mọi việc trong nhà nuôi dạy cả đàn em. Ngày đó Chung rất thích ngành sản khoa. Theo Chung, người đàn bà (điển hình là mẹ của Chung) là người chịu thiệt thòi, chịu đựng mọi đau khổ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Những đêm trực ở bệnh viện sản khoa, Chung tận tụy với bệnh nhân, cố gắng học những kinh nghiệm, đọc nhiều sách, với hy vọng mang kiến thức mình giúp đỡ được nhiều người sẽ làm mẹ.

Mặc dầu bị chia vào Ký Sinh Trùng Sốt Rét, mỗi tối Chung vẫn đi theo bạn đến trực ở bệnh viện Từ Dũ. Còn tôi, mỗi ngày học Ký Sinh Trùng trong phòng thí nghiệm, mỗi tối tôi đi theo Hoài Tâm vào bệnh viện Chợ Quán để học Nhiễm. Cái cuộc sống mang hai thế giới của ngày và đêm, cái tiếc nuối hụt hẩng không được học những gì mình thích đã đem đến biết bao nhiêu trở ngại và đau khổ, chỉ vì mình không chịu chấp nhận sự an bài, và không bao giờ hài lòng với cái mình hiện có. Điều này kéo dài đăng đẳng suốt cả hai năm đến khi ra trường. Chúng tôi ngày đó không có buổi lễ ra trường trang trọng và hãnh diện như các lớp đàn anh.

Ra khỏi trường, tôi xin được đổi đi thật xa thành phố. Tôi chọn thành phố Cà Mau, với mục đích ra khỏi bốn bức tường của phòng thí nghiệm để vào lâm sàng có cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân. Đồng cảnh ngộ, Chung tình nguyện đi làm ở trại cùi Bến Sắn, cũng cùng mục đích được gần gủi và chia xẻ với bệnh nhân, những người đau khổ. Hiếm người muốn ở lại trường để làm Giảng Nghiệm Viên, tiếp tục trở thành giáo sư của trường.

Tôi xuống Cà Mau vào những ngày nước lớn. Bắt đầu trình diện nhiệm sở mới, vào bệnh viện mới nhận việc. Ở thành phố này vào mùa nước lớn thì tất cả nhà cửa ngập nước ngoại trừ chiếc cầu bắt ngang thị trấn. Mỗi ngày đi làm ra vào bệnh viện, phải lội nước lấp xấp, chân tôi bị nước ăn sưng tấy, cứ vài ngày hồi phục rồi vài ngày tái phát. Được vài tháng chịu đựng với cái ẩm ướt lầy lội này, tôi đào ngủ trở về Sài Gòn, biết là mình sẽ không được cấp bằng vì bỏ nhiệm sở. Rời bỏ thành phố này tôi chỉ tiếc nuối những chân tình của bệnh nhân, quang cảnh chợ nổi trên sông và những chuyến đò đầy ắp trái cây từ trong ruộng rẫy.

Về Sài Gòn, làm việc không lãnh lương được vài năm, tôi xin được bổ nhiệm đi một nhiệm sở khác. Lần này nhờ sự giới thiệu của Ngọc Nga, tôi vào làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng Nai. Mỗi ngày lên xe đò đi làm việc ở Tam Hiệp, mỗi tối về lại Sài Gòn. Tình cờ một ngày tôi gặp lại Chung trên chuyến xe đi làm ở Đồng Nai, Chung kể lại chuyện sau mấy năm gian khổ ở Bến Sắn. Mấy năm qua đi, lý tưởng và bầu nhiệt huyết phục vụ của Chung đã từ từ nguôi xuống. Với lý tưởng của những ngày còn trên ghế nhà trường, muốn đem hết sức lực tài năng của mình để giúp và chia xẻ với người, Chung đã trải qua nhiều gian nan khổ cực. Ở cái xã hội nhỏ nhoi như trại cùi Bến Sắn, Chung đã chạm trán nhiều với thực tế. Con người ở trong một vũ trụ nhỏ bé cũng mang đầy những tệ trạng, cũng tham lam, hối lộ, ăn chặn ăn bớt của người dân, của bệnh nhân, cũng dẫy đầy cá lớn nuốt cá bé, ma cũ hiếp ma mới, chà đạp lẫn nhau mà sống. Trở về lại bệnh viện Da Liễu, rồi xin làm việc ở Đồng Nai, Chung lúc nào cũng hụt hẩng bởi cái lý tưởng hy sinh cho con người không còn chỗ đứng trong xã hội này. Chung vẫn làm rất nhiều việc thiện nguyện không ăn lương, mặc dầu sống trong tình cảnh nghèo khổ, có lúc phải đạp xích lô để kiếm tiền sinh sống. Lý tưởng tuy là một cái gì không thực tế, nhưng vẫn là một nhu cầu phải sống của Chung, lúc nào cũng giúp người, không oán hận cuộc đời đã bất công với mình. Tôi thì không được như vậy, lúc nào tôi cũng không an phận, không bằng lòng với cái mà định mệnh đã an bài cho mình.

Trong lớp tôi, có rất nhiều người vì không bằng lòng với chuyên khoa bị áp đặt đã bỏ học, hoặc bỏ nhiệm sở sau khi ra trường, hoặc ra đi. Tôi là một trong những người đã ra đi, bắt đầu lại từ đầu, ước mơ mình còn những ngày 20 tuổi, học những gì mình thích, làm những gì mình mong mỏi, quên đi rằng thời gian không còn cho phép mình nữa. Đôi khi nhìn lại quảng đời, thấy mình còn quá may mắn là còn được ước mơ, lý tưởng chưa đến nổi chết đi sau những tháng ngày vất vả. Trong những người bạn của mình có mấy ai được cuộc đời vừa ý?. Đọc những lời thư của Thủy "bao lần năm chìm bảy nổi rồi bây giờ mới ổn định", mới thấy là định mệnh xếp đặt, thấy ngậm ngùi. Đọc những lời của Hồng Trang "tưởng mình chịu nhiều đau khổ", nào ngờ chỉ là một trong những mảnh đời không vừa ý, thấy trái ngang.

Ngày tôi về Sài Gòn, nghe tin là Chung đã vào một dòng tu kín, tu hành xác hơn mười năm rồi. Tôi nghe nói rằng Chung tu rất khổ hạnh, ép mình chịu nhiều giới luật, làm việc bất kể ngày đêm, và rất hạnh phúc vớI lý tưởng mới. Có lẽ nơi đó Chung đã tìm được con đường mà Chung tìm kiếm bao nhiêu năm. Có lẽ nơi đó chỗ đứng của sự hy sinh quên mình được vững vàng nương tựa, không còn bị những tham ô cuộc đời làm vẫn đục, và cơ hội để phục vụ con người đau khổ của Chung không bao giờ sụp đổ nữa. Chung được thụ phong linh mục cách đây vài năm tại Sài Gòn.

Hai mươi sáu năm đã trôi qua, nhìn lại mình xấp xỉ tuổi năm mươi, mình đã làm được gì sau những trôi nổi của cuộc đời, có phải mình đã sai từ lúc mới bắt đầu: "chia chuyên khoa"?

Houston tháng 3, 2004
Bùi thị Thanh-Tùng