Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Bác Sĩ Huyện - Nguyễn Đình Vân

Các bạn mến,
Đọc bài viết này của anh Nguyễn Đình Vân, cùng lớp với chị Bùi thị Thanh Tùng (chuyện Chia Chuyên Khoa 1980) và chị  Lê thị Minh Đức (SB4?) , BS phòng y tế ĐHYD chuyên cho toa "xuyên tâm liên" thời Y79đ
Đọc thấy dí dõm hay hay nên chia xẻ với các bạn.
Chúc các bạn vui
(và mong đọc đuợc những chuyện "một thời để nhớ" tương tự của các bạn)
------------------------------------------------------------------------------------------------
Tôi về bệnh viện huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang năm 1985. Bệnh viện đóng tại thị trấn Chi Lăng, dưới chân núi Cấm. Ðường từ Châu Ðốc vào Chi Lăng độ 30 cây số, nhưng xe đò chạy khoảng gần 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi! Xe nào xe nấy chất hàng chật kín trên mui, chiếm cả ghế hành khách, còn khách thì đu bay cửa trước cửa sau, may là xe chạy ì ạch nên không ai rớt xuống đường. Xe ngừng nửa đường ở thị trấn Nhà Bàng, là trung tâm hành chánh cũ của huyện, trước kia một khu thương mại sầm uất vì có chợ trời biên giới cận với Cam bốt. Nhưng trận giặc Việt nam – Kampuchia 1980 tàn phá Nhà Bàng khá nhiều. Do vậy, huyện ủy Cộng Sản và Ủy ban Nhân dân dời vào Chi Lăng, cận một trung tâm huấn luyện cũ của quân đội Việt nam cộng hoà. Từ Nhà Bàng đi Chi Lăng phải băng qua núi Két, nơi cảnh vật xinh tươi đột biến thành vùng đất khô cằn.

  Từ bến xe Chi Lăng, tôi tìm ra ban Y tế- Thể dục Thể thao không khó vì thị trấn nhỏ xíu như chiếc khăn hỉ mũi. Ðó là một căn phố mái tôn, vách cây, phủ đầy bụi. Bên hông là một khoảng đất trống với một cái bàn dài người ngồi lố nhố. Tôi vào trình diện. Trưởng ban Y tế đi họp trên tỉnh, chỉ có phó ban phụ trách Thể dục Thể thao đang ngồi ở bàn. Lúc đầu tôi tưởng ban đang làm việc, nhưng không, trên bàn thay vì giấy tờ công văn, là một dĩa đậu phọng rang muối, mấy cái ly, và một chai rượu đế to tướng! Anh Tập Phó ban xem giấy tờ tôi xong, liền rót 2 ly rượu đưa cho tôi, một ly gọi là chào sân và một ly chào bàn. Anh dặn uống xong mỗi ly phải lật úp ly xuống, cứ rớt một giọt rượu thì phải uống phạt thêm một ly. Tôi có uống bia và whisky trước đây, nhưng đó là lần đầu tiên tôi uống rượu đế. Thôi thì cũng phải dốc cho cạn. Sau đó tới màn giới thiệu từng người, mổi người mừng tôi một ly. Rượu cay xè, không thấy ngon, nhưng chém chết không say cũng xĩnh. Rượu đế ở Tịnh Biên cất bằng khoai mì nên đục. Muốn trong, người ta bỏ vài giọt thuốc rầy, uống vào nghe thoang thoảng. Sau nầy khi đạt đến "trình độ", tôi chỉ cần khè hơi, nếu ngửi thấy mùi formone là ngưng uống, nếu uống tiếp là cho "chó ăn chè" ngay.

  Sau thủ tục đầu tiên, khi tôi đã hơi ngà, anh Tập cho tôi nằm nghĩ trên môt sạp chiếu, đợi anh trưởng ban về. Chiều tối hôm ấy, anh bác sĩ Chính, trưởng ban Y tế, đi họp về. Anh gọi tôi dậy, cơm nước, rồi dẫn ra quán uống nước sôi chanh đường cho giã rượu. Anh thuộc lớp chuyên tu trường Sài gòn, dễ thương, không thích nói chuyện chính trị, nhưng cũng thích rượu chè như ai. Anh là trưởng ban Y tế kiêm giám đốc bệnh viện huyện. Còn tôi là bác sĩ thứ nhì của huyện, được phong chức "phó giám đốc" bệnh viện. Ðêm ấy tôi ngủ tại ban để sáng hôm sau làm việc.

  Sáng hôm sau anh Chính dẫn tôi đi trình diện huyện ủy, ủy ban rồi xuống bệnh viện. Thật ra bệnh viện chỉ cách ban Y tế độ trăm thước, đi bộ chưa đầy 5 phút. Ðó là một bệnh viện nghèo nhất trong tỉnh An Giang. Bệnh viện lấy một trường tiểu học cũ và "tịch thâu" vài nhà dân ở chung quanh để làm phòng hành chánh, kho thuốc và chổ nhân viên ăn ở. Bệnh viện không có hàng rào, trâu bò chó ngựa qua lại đều được. Phòng bệnh thì giống phòng học, chỉ khác là không có bàn học mà là giường bệnh. Giường bằng sườn sắt, vạt cây, lót chiếu, nằm xuống là bị rệp cắn ngay. Rệp là một "đại nạn" khó lòng tảo thanh trong mấy năm tôi ở bệnh viện. Thôi thì thay chiếu mới, đem giường ra phơi nắng, tạt nước sôi, xịt thuốc rầy… đủ thứ rồi mèo lại hoàn mèo, vì bệnh nhân là nguồn cung cấp rệp. Ðêm đầu tiên tôi ngủ trong bệnh viện bị rệp cắn sưng mình trong khi các nhân viên ngủ tỉnh queo, tôi đoán chắc vì mình là ma mới nên chúng tấn công quá sức. Về sau mấy y sĩ trong bệnh viện mách kế: đặt giường xa vách, giường không chạm vào đâu cả, trừ 4 chân giường chạm đất. Trên 4 chân giường đó, thường xuyên chấm thuốc rầy đậm đặc để triệt tiêu đường tấn công của rệp. Quả hiệu nghiệm!

  Huyện Tịnh Biên lúc ấy có khoảng 70 ngàn dân và thị trấn Chi Lăng có khoảng 5000 dân. Thị trấn đất cát, nhà nhà phải xây hồ chứa nước mưa vì mùa khô các giếng nước đều cạn. Mùa khô nước hiếm, sáng rửa mặt bằng một ly xây chừng mà thôi. Thức dậy nuốt nước miếng nghe cát trong cổ họng. Muốn tắm phải lại nhà dân có bồn nước lớn, hoặc lái xe cứu thương ra Châu Ðốc tắm. Mùa mưa mát mẽ khí hậu dễ chịu, nhưng sốt rét dữ hơn. Ổ sốt rét nằm trong núi Cấm. Thị trấn không có điện công cộng, không có nước máy, hệ thống cống thô sơ lộ trên mặt đất. Ngoài huyện ủy, ủy ban, cửa hàng ăn uống và một vài nhà dân có máy điện riêng, hầu hết dùng bình ắc quy để thấp đèn. Bệnh viện có máy phát điện nhưng hư lên hư xuống, ủy ban không chịu sửa, không mua máy mới, nên phải thắp đèn dầu. Trong 3 năm tôi ở đó, tổng cộng số đêm có điện khoảng chưa đầy 6 tháng.

  Bệnh viện huyện Tịnh Biên giấy tờ chính thức là 50 giường bệnh, nhưng số giường thực thụ chưa tới 20, chủ yếu là phòng cấp cứu và Phòng sanh- Kế hoạch gia đình. Nhân viên có hơn 50, hơn 30 mạng là y sĩ. Y tá có 4, 1 tài xế, 1 hộ lý. Số còn lại là dược tá, kế toán, hành chánh. Thiệt giống quân đội của các nước Nam Mỹ thời xưa, số tá nhiều hơn số lính! Anh Chính, mang tiếng giám đốc bệnh viện, nhưng lúc nào cũng trên phòng Y tế, giao tất cả chuyện điều trị cho tôi. Bệnh viện có một đảng viên duy nhất là y sĩ sản, làm phó giám đốc chính trị. Bà nầy cách mạng gốc nhưng không cự nổi đám con ông cháu cha trong bệnh viện. Vì trong đám y sĩ, có gần mươi mạng là con, dâu , rể của bí thư, huyện ủy, chủ tịch, ủy ban… Ðám y sĩ trẻ nầy tốt nghiệp trường trung học y tế Long Xuyên, được các SBCK khoá 1, 2, 3 dạy dỗ nên rất lễ phép, gọi tôi bằng thầy. Còn đám y sĩ lớn và nhân viên khác thì gọi tôi là "bác" (chữ tắt của bác sĩ). Còn đám thiệt thân thì gọi tôi là anh. Tất cả y sĩ sau 2 năm làm việc đều mong được đề cử đi học bác sĩ chuyên tu, lẽ dĩ nhiên đám con cháu cán bộ, cán cuốc được ưu thế hơn.

  Tệ nạn lớn nhất trong huyện và tỉnh là nạn uống rượu. Có thể nói ngày nào tôi ở Tịnh Biên đều có nhậu. Thôi thì ban Y tế (sau đổi tên thành phòng Y tế), công an, ngân hàng, phòng giáo dục, phòng tài chánh, đài phát thanh, trường quân chính, rồi đám giỗ, đám ma, đám cưới v.v… Mà không nhậu không được, ai không nhậu sẽ bị tẩy chay, không sao liên hệ tốt với ban, ngành, đoàn thể được. Tốt nhất là vào bàn nhậu rai rai rồi giả bộ say, rồi được tha về. Tệ nạn nhậu phát triển đến nỗi trên tỉnh phải ra thông báo cấm cán bộ uống rượu trên 18 độ. Mọi người kháo nhau uống 1 "độ" là say đủ chết rồi, cần gì uống tới 18 "độ"! Mấy năm ở Tịnh Biên, tôi từ một người không biết rượu đế là gì thành một tay uống cũng kha khá. Nhân một dịp ra Châu đốc, tôi cùng Hoa Nghĩa Hiệp, Chung Quốc Cường, Nguyễn Việt Dũng cưa một chai Johny Người-Đi-Bộ nhãn đỏ, rót chia đều mỗi đứa một phần tư. Chắc là rượu giả, đêm ấy 3 anh kia, người thì ói mửa, người thì nhức đầu, còn một anh thì đi re re suốt đêm. Phần tôi thì ngủ tỉnh queo tới sáng!

  Công việc ở bệnh viện nặng về phần quản lý hơn là chuyên môn. Các y sĩ ở phòng khám và phòng cấp cứu nhận bệnh, có gì thắc mắc thì chạy đi hỏi tôi. Bệnh nặng thì cho xe chở ra Châu Đốc, còn bệnh nhẹ thì cho về nhà nằm. Ít ai chịu ở bệnh phòng vì không có điện, không có nước, không có cầu tiêu, lại có rệp. Thật ra bệnh viện có 3 cầu vệ sinh cho bệnh nhân nhưng thường xuyên bị tắc nghẹt vì người ta cứ bỏ giấy "nhật trình" vô cầu. Nhân viên được 2 cầu, có khóa. Tuy vậy cầu cũng bị nghẹt hoài vì thiên hạ chạy vô xin đi. Đặc biệt trụ sở huyện ủy và là nhà ở của bí thư không có cầu tiêu. Ai muốn đi thì lấy xẽng ra vườn làm nhiệm vụ. Đi cầu khó vậy đó, nên đi tiểu khỏi phải nói. Tôi mắc bệnh tiểu đường ngay lúc đến Tịnh Biên.

  Cạnh bệnh viện là đội Vệ sinh Phòng dịch. Đội có hai nhiệm vụ chính là phun thuốc diệt muỗi trừ sốt rét và chích ngừa. Trưởng đội đi học chuyên tu bác sĩ 3 năm mới về. Phó đội là anh Bảy Vĩnh, sĩ quan trợ y của quân đội VNCH cũ. Anh Vĩnh rất tháo vát và vui tính. Anh hay rủ tôi đi xem phòng chống dịch. Có lần anh rủ tôi đến nhà máy nước đá để lãnh nước đá về bảo quản thuốc chích ngừa. Giám đốc nhà máy nước đá là một người gốc Hoa, trước kia là chủ thật sự của nhà máy. Tôi có thắc mắc tại sao ông nầy vẫn "bám trụ" sau vụ đánh tư sản mại bản, anh Bảy Vĩnh cho biết vì ông có gốc gác lâu đời với đám nằm vùng. Sở dĩ tôi nhớ ông nầy vì ông có tên rất đẹp là Bành Hán Tiên, nhưng muốn chọc cười, anh Bảy gọi ông là Bành Háng Tiên!

  Thỉnh thoảng có mấy anh ở bệnh viện Long Xuyên về Tịnh Biên kiểm tra như anh Khương Trọng Sửu (SBCK khóa 1), tôi dẫn lên núi Cấm chơi. Đậu xe gắn máy dưới chân núi, chúng tôi và một vài y sĩ theo đường mòn lên chùa trên đỉnh núi. Đường đi độ khoảng mươi cây số nhưng rất dốc, phải nghỉ chân 2-3 lần. Dọc đường đi rải rác có mấy phụ nữ lớn tuổi đi hành hương. Bà nào bà nấy thở phì phò nhưng không dám than mệt vì sợ "cõi trên" quở. Gặp ai chúng tôi đều hỏi "Khỏe không bác?" Các bà đều khều khào trả lời "Khỏe! Khỏe!" Lên đến đỉnh có thể thấy núi Tượng và đất Cam bốt. Địa thế cao và không khí lạnh giúp núi Cấm làm chổ trồng trái su (chou), địa điểm thứ hai ở miền Nam ngoài Đà Lạt sản xuất được su. Chúng tôi vòng vòng quanh chùa, tìm chổ thanh vắng, trải đồ ăn, vài chai rượu (không thể thiếu được nếu gọi là dân Tịnh Biên), rồi quay đầu gà. Đầu gà quay trúng ai thì người đó phải uống một ly, thiệt là unfair! Nhậu xong, trên đường xuống núi, chúng tôi băng qua vườn cây sầu riêng. Cây sầu riêng rất cao và người ta bảo rằng trái sầu riêng chỉ rụng về đêm. Do đó phải đội nón sắt nếu muốn đi qua vườn sầu riêng ban đêm. (Điều đó tôi không kiểm chứng được). Một điều tôi học được thêm là đi xuống, tuy nhanh hơn, nhưng khó hơn đi lên nhiều. Chúng tôi hầu như phải nhảy liên tục, nếu ngừng lại hoặc đi chậm lại là có thể té dập mặt ngay. Về đến bệnh viện trời sập tối nhưng ai nấy còn khoẻ lắm, anh Sửu mời tôi và đám y sĩ đi uống bia thứ thiệt (thứ tôi không dám rớ tới, lâu nay chỉ uống toàn bia trái cây). Sáng hôm sau anh về Long Xuyên, còn tôi phải lết vài ba ngày vì hai chân đau và mỏi đừ. Hỏi ra ai đi núi Cấm lần đầu tiên đều bị như vậy hết. Anh Sửu chắc cũng lết một vài ngày.

  Công việc chuyên môn trong bệnh viện không có chi phức tạp. Hầu hết là bệnh nhức đầu (do rượu?), nóng sốt, tiêu chảy, và sốt rét. Con nít thì sốt xuất huyết, nghi ngờ là chở lên Châu Đốc ngay. Nghe nói có một đêm ở bệnh viện Long Xuyên, hơn 20 trẻ chết vì sốt xuất huyết. Tai nạn lớn nhất khi tôi ở Tịnh Biên là vụ nổ đầu đạn làm bị thương 5,6 người. Một phụ nữ bị vừa tràn máu màng phổi cấp tính, thở khò khè đứt hơi khi vô tới phòng cấp cứu. Bệnh viện không có dụng cụ chi hết, tôi phải dùng ống thông tiểu Foley cở lớn nhét vào khoang màng phổi, đầu ống buộc vào bịt ny-lông để "seal off" giống như trong trường dạy. Cô nầy được xe cấp cứu chở ra Châu Đốc, sống. Anh Kiên SBCK1 mổ ca đó, có gởi lời khen tôi xử trí đúng (anh trước làm Ngoại Thần kinh ở Chợ Rẩy, vì đi vượt biên nên bị đuổi, anh được bệnh viện Châu Đốc nhận). Anh chỉ khen suông thôi, còn tôi sau nầy được một chầu nhậu do chồng cô ta đãi.

  Bệnh viện Tịnh Biên sở dĩ tiêu điều, không được chăm sóc là nằm trong "ý đồ" của cán bộ tỉnh và huyện. Họ muốn xin hội Hồng Thập Tự quốc tế xây một bệnh viện lớn ở Nhà Bàng. Mà hội Hồng Thập Tự cũng muốn giúp, vì là địa điểm chiến lược đón làn sóng tị nạn từ Kampuchia sang nếu tình hình biến động. Mấy năm tôi ở đó, các cán bộ tranh cãi hoài về địa điểm xây cất, tới lúc tôi đi rồi chỉ có lễ đặt viên đá đầu tiên! Nhưng chính nhờ chuẩn bị cho bệnh viện mới, tôi được gởi lên Long Xuyên 6 tháng học mổ, quen được nhiều anh ở bệnh viện tỉnh. Lúc đầu tôi đứng phụ, sau đứng chính, mổ được khoảng trăm cái ruột thừa! Anh Hoàng trưởng khoa Ngoại nói đúng, không có ruột thừa nào giống nhau cả, giống như mặt người ta vậy. (Anh đi học tập về, ra đứng ngoài chợ bán thịt, bị công an rượt bắt hoài, về sau mới được cho vào bệnh viện làm).

  Ngoài 3 bạn Hiệp, Cường và Dũng ở Châu Đốc, tôi có đi thăm Phan Văn Xái ở Phú Châu (Tân Châu), nhậu cháo rắn hổ. Tôi gặp Nguyễn văn Đức (phó ban đại diện năm 74-75) vài lần. Đức bị đuổi ra khỏi trường năm 75 vì lý do chánh trị, anh về Phú Châu ở, được một anh bác sĩ đàn anh nâng đỡ, gởi cho đi học lại. Có lần Đức đến nhà tôi ở Sài gòn nhân dịp tôi về thăm vợ con, hai đứa nằm nói "chuyện đời" suốt đêm. Năm 1987, bộ đội Việt Nam từ Kampuchia (giả bộ) rút về, dân vùng biên giới phải đi đào một con kênh mới song song với kinh Vĩnh Tế, chạy dài từ Tri Tôn ra Châu Đốc. Trên công trường hằng ngày có độ hơn 5000 người, tất cả công việc đều làm bằng tay, không có một máy ủi đất nào! Toàn thể dân bệnh viện và phòng Y tế đều đi đào kinh trong 10 ngày, chỉ chừa vài người ở lại. Không phải sáng đi chiều về mà phải ở luôn công trường, đào cả ban đêm vì dân bệnh viện sức yếu tay mềm, mà công việc thì được giao khoán. Đó là lần "oải" nhớ đời, mặc dù tôi được các nam y sĩ phụ lực tận tình. Tôi ngủ trong cảnh màn trời chiếu đất, sợ sốt rét muốn chết. Nhưng may địa điểm công trường rất gió, ít muỗi. Còn nước kinh thì uống không nổi, mặc dầu đã đun sôi nhưng đầy cặn, vị thì mặn và hôi. Về sau toán bệnh viện tìm ra 2 món giải khát "cao cấp" là dưa hấu và nước thốt nốt. Dưa hấu không ngọt, ăn đở khát. Còn nước thốt nốt thì tuyệt, mặc dầu tôi rất nghi ngờ về mặt vệ sinh. Nước thốt nốt ngót ngót, mùi thơm giống như sirop cây phong (maple) ở Canada. Dân Khmer cất nước cô đặc lại làm đường thốt nốt. Cây thốt nốt thuộc họ cây cọ, có vẽ mạnh mẽ và lớn hơn cây dừa. Cây dừa 5 năm đã có trái, còn cây thốt nốt phải hơn 30 năm! Khmer đỏ có câu: "chỗ nào có cây thốt nốt là chỗ ấy thuộc đất Khmer". Mà xứ Tịnh Biên thì ở đâu cũng có cây thốt nốt.

  Trong bệnh viện tôi cũng có vài y sĩ người Miên, có mời tôi về nhà nhậu chơi, nhưng đãi món mắm bò hóc thì tôi chịu thua, tôi thích món cá lóc nướng trui dầm nước mắm hơn. Không biết lúc "cáp duồn" ra sao chứ dân Miên nói chung hiền lành, tánh tình cũng như người Việt. Con gái Miên lai Tàu rất đẹp, tục gọi là "đầu gà đít vịt", có nhiều ở thị trấn Tri Tôn. Chùa Miên đẹp, kiến trúc chịu ảnh hưởng Ấn độ, còn chùa Việt thì theo kiểu Trung Hoa. Óc thẩm mỹ dân Miên thì khác hẳn ta. Người Miên thích màu sặc sỡ, không chịu kiểu màu dịu "tone sur tone". Tôi thấy dân Miên ở Tịnh Biên thích màu đỏ đi chung với màu xanh lá mạ. Có lần tôi thấy một anh cỡi xe đạp ngang qua bệnh viện, lúc đi ngang thì chiếc xe đỏ, lúc đi về thì một chiếc xanh lá cây. Hóa ra thì chỉ có một chiếc xe đạp thôi, nhưng sơn màu khác bên 2 bên xe!

  Sau 3 năm ở, nhờ bà Hồ Hải, tôi được chấp thuận về làm gây mê bệnh viện Chợ Rẩy, có ông Trịnh Kim Ảnh ký tên đàng hoàng. Giấy tờ chuyển từ huyện lên tỉnh, giám đốc sở Y tế An Giang phê "không chở cũi về rừng!", bắt tôi làm phòng mổ bệnh viện Long Xuyên. Thiệt là phép vua thua lệ làng. Thế là tôi đổi về Long Xuyên, làm bác sĩ tỉnh, mở sang một "bước ngoặt" mới. Chuyện bác sĩ huyện đến đây chấm dứt. Còn chuyện bác sĩ tỉnh để hẹn khi khác.

  Đêm cuối cùng ở huyện, bệnh viện và phòng y tế đãi tôi một buổi tiệc tiển. Ai nấy cũng đòi uống với tôi một ly rượu đế, kể cả các cô y sĩ. Tôi uống thiệt tình không giả bộ say. Tiệc tàn ai nấy đi ngủ nhưng tôi thì thao thức đến sáng, không sao ngủ được. Những kỷ niệm vui buồn chập chờn hiện trong trí nhớ. Tờ mờ sáng xe huyện đến rước chở tôi lên tỉnh. Tôi rời đất khổ buổi sáng đầy sương ấy.

Nguyễn Đình Vân




Không có nhận xét nào: